• 91 Valley Hill Rd.  Riverdale, Georgia 30274
  • 770-472-9963

L
ịch sử của một dân tộc, tổ chức, hay cộng đoàn thường được hình thành do nhiều yếu tố về chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo, môi trường, nhân sinh quan hoặc ý thức hệ v.v... Những yếu tố đó liên hệ với nhau và tạo nên bối cảnh lịch sử. Lịch sử Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Atlanta nói chung và Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam nói riêng cũng được thành hình qua các khía cạnh trong số những yếu tố đó. Thế nên khi viết về lịch sử của Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam thì bối cảnh lịch sử vào các thời điểm cũng cần được nhìn nhận, để những khi nhìn lại lịch sử, ta có thể hình dung được những hoàn cảnh và thời thế đã tạo nên lịch sử trong giai đoạn đó. Vì thế, lịch sử Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam cũng được chia thành các giai đoạn như sau:

GIAI ĐOẠN MỘT – FIRST WAVE
:

Trước năm 1975, người Việt tại Atlanta chỉ gồm một số rất ít các sinh viên du học, các cán sự tu nghiệp, hoặc một ít người trong liên hệ vợ chồng với người bản xứ Hoa Kỳ. Thời điểm này hầu như không có sự tiếp xúc giữa người Việt với nhau hoặc hiếm họa lắm mới thấy bóng dáng của người Việt. Biến cố tháng Tư năm 1975 kéo thêm khoảng 134,000 người Việt, trong đó có một số từng làm việc hoặc cộng tác với chính phủ Hoa Kỳ và những người “may mắn vào giờ chót” nhờ chiến dịch “Gió Quay Nhanh – Operation Frequent Wind”.

Chiến dịch ‘Frequent Wind’ trên nguyên tắc chỉ kéo dài từ 3g30 chiều ngày 29 tháng Tư và chấm dứt vào đúng 21 giờ ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi người lính Mỹ cuối cùng được trực thăng bốc khỏi Sài Gòn và trụ sở cơ quan DAO (Defence Attachés Offfice) của Hoa Kỳ được Thủy quân lục Chiến Hoa kỳ cho phá nổ. Tuy nhiên với làn sóng người di tản rầm rộ đổ ra biển Thái Bình Dương bằng các tàu hải quân, thương thuyền và cả các tàu đánh cá nhỏ, việc cứu vớt người vẫn được tiếp tục trong nhiều tuần sau đó.

Họ đã được không vận hoặc di tản trên những tàu chiến như hạm đội số 7 của Hải quân Hoa Kỳ với các hàng không mẫu hạm Hancock, Midway và nhiều chiến hạm cũng như nhiều thương thuyền Hoa Kỳ và quốc tế đã tham dự vào chiến dịch cứu vớt người trên biển rồi chuyển qua các trại tạm cư tại đảo Guam thuộc quần đảo Hạ-Uy-Di của Hoa Kỳ, hoặc đến đảo Wake, đến Thái Lan, hoặc Subic Bay của Phi Luật Tân và rồi sau đó lại được thuyên chuyển đến các trung tâm tị nạn trên khắp đất nước Hoa Kỳ như ở trại Pendleton, California; Fort Chaffee, Akansas; căn cứ Không Quân Eglin, Florida; và Fort Indiantown Gap, Pennsylvania trong chiến dịch “Đời Sống Mới - Operation New Life” . “Trên thực tế, giai đoạn di tản và vượt biên không có sư gián đoạn. Có chăng chỉ là sự phân chia thời điểm chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt chiến dịch vớt người trên biển mà thôi, còn sự ra đi của người Việt vẫn tiếp tục không ngừng.”

Khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, những người di tản này được giao cho một trong chín cơ quan thiện nguyện (VOLAGS – Volunteer Agencies) để phối hợp chương trình tị nạn với các bảo trợ địa phương nhằm đón nhận người tị nạn vào các cộng đồng trên tòan quốc. Các hội thiện nguyện gồm có: the United Hebrew Immigration and Assistance Service, the Lutheran Immigration and Refugee Service, the International Rescue Committee (IRC), Church World Service (CWS), the American Funds for Czechoslovak Refugees, the United States Catholic Conference (USCC), the Travelers Aid International Social Service, và the Council for Nationalities Service. Mỗi gia đình người tị nạn được yêu cầu chọn một cơ quan thiện nguyện, nếu không có sự chọn lựa thì một cơ quan sẽ được chỉ định cho gia đình đó.
Thoạt tiên, dân chúng Hoa Kỳ không mấy nồng nhiệt đón tiếp người Việt tị nạn. Một cuộc thăm dò năm 1975 do viện Gallup thực hiện cho biết chỉ khoảng 36% dân chúng có thiện cảm trong khi có 54% phản đối và 12% không có ý kiến về việc tiếp nhận này. Quan ngại lúc đó của dân chúng Hoa Kỳ là sợ ảnh hưởng về kinh tế, mất việc, cùng các tốn phí về an sinh xã hội, cộng thêm nền kinh tế Hoa Kỳ khủng hoảng vào thời điểm đó. May mắn thay là chính quyền tổng thống Gerald Ford lúc ấy đã ủng hộ việc định cư và thông qua đạo luật “Di Dân và Tị Nạn Người Đông Dương” vào năm 1975 (The Indochina Migration and Refugee Act of 1975). Đạo luật này đã tạo nên những chương trình định cư và trợ giúp tại nội địa những người tị nạn từ Cam-Bốt và Việt Nam.

Hầu hết những người tị nạn được bảo trợ do một nhà thờ hoặc cơ quan thiện nguyện bất vụ lợi. Các tổ chức này biết ai để bảo trợ vì danh sách những người tị nạn không có thân nhân tại Hoa Kỳ đã được quảng bá trên báo chí. Các nhà bảo trợ bao gồm các cộng đòan, xứ đạo, các gia đình, tổ hợp, cơ quan hoặc công ty bảo trợ cho cựu nhân viên là người Việt. Các nhà bảo trợ phải hứa cung cấp thực phẩm, quần áo và nơi cư trú cho đến khi những người này có thể tự lập được. Những nhà bảo trợ này còn phải lo tìm công việc cho người được bảo lãnh, ghi danh cho trẻ em nhập học và dần dà giúp họ hòa nhập vào xã hội mới tại miền đất Hiệp Chủng Quốc này.

Do nhiều người Việt không có vốn Anh ngữ khi đi định cư nên việc học một ngôn ngữ mới đã trở thành một điều kiện quan trọng nhằm thích ứng với đời sống mới tại Hoa Kỳ. Thêm vào đó, chính sách phân tán người tị nạn (Dispersal Policy) của chính phủ Hoa Kỳ đã làm cách ly những thành viên trong gia đình và nhiều người đã phải nhập vào các cộng đồng xa lạ mà không có sự liên hệ trợ giúp từ gia đình hay cộng đồng thân quen. Mục đích của chính sách phân tán người tị nạn của chính phủ là nhằm tránh gánh nặng cho một cơ quan xã hội phải chịu, đồng thời giúp hòa nhập người tị nạn vào nhịp sống xã hội càng nhanh càng tốt. Do đó, những người Việt tị nạn đầu tiên tại Atlanta thường được phân tán định cư tại các thành phố vùng ngoại ô với mỗi nơi một ít gia đình.
Tuy nhiên, khi chủ trương phân tán dân tị nạn như vậy, người ta đã thiếu nhạy cảm để có thể hiểu thấu đáo về nhu cầu cộng đồng là điều rất hệ trọng và tất yếu trong đời sống của người Việt, hoặc việc nhiều người Việt không thích hợp với khí hậu lạnh nên thường tái định cư tại những tiểu bang nắng ấm. Hơn nữa, những nỗi ám ảnh và khủng hoảng trên những bước đường vượt biên tị nạn đã khiến nhiều người cảm thấy bị áp lực, thất vọng, lo sợ, lạc lõng và bị bỏ rơi. Do đó ý chí liên kết với nhau thành những cộng đồng nhằm bảo tồn văn hóa và nâng đỡ lẫn nhau là điều tất yếu và đương nhiên, và từ đó sự hình thành các cộng đồng Việt Nam khắp nơi được chú ý.

Trong bối cảnh đó, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ rất quan tâm tới hoàn cảnh những người Đông Dương tị nạn. Riêng tại Atlanta, qua trung gian của Cha Richard B. Morrow, cha sở Giáo Xứ St. John tại Hapeville, Đức Tổng Giám Mục Thomas A. Donnellan đã mời một linh mục Việt Nam −một linh mục trẻ mới ngoài 30 tuổi đời và đầy năng động là cha Francis Phạm Văn Phương đang du học tại Fairfield, Connecticut− đến Atlanta ngày 10 tháng 6 năm 1976 và cư ngụ tại Giáo Xứ St. John The Evangelist để đặc trách người di cư Việt Nam trong toàn giáo phận. Giáo xứ St John tại Happeville là một trong những tổ chức từ thiện, đã rộng tay bảo trợ một số gia đình về tạm cư quanh khu vực cơ sở của giáo xứ và nơi đây đã trở thành chiếc nôi đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Atlanta.

Tờ Công Báo Địa Phận, Georgia Bulletin, loan tin cho toàn giáo phận về một thánh lễ bằng tiếng Việt Nam đầu tiên tổ chức vào ngày 26 tháng 6 năm 1976 và sau đó có cuộc họp mặt người Việt tị nạn. Sau hơn một năm dài, đây là lần đầu tiên những người Việt ly hương mới có cơ hội gặp gỡ những người đồng hương và đồng đạo. Họ tỏ ra vui mừng và xúc động khác thường. Kể từ đó, chương trình thánh lễ được cử hành thường xuyên ở hai nơi:

  • Thứ Bảy lúc 4g00 chiều: tại nhà thờ Giáo Xứ St. John The Evangelist, Hapeville.
  • Chúa nhật lúc 4g00 chiều: tại nhà thờ Immaculate Conception, downtown Atlanta.

Ngày 21 tháng 8 năm 1976, ban đại diện đầu tiên được thành hình như sau:

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Văn Bạt
  • Phó Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Hòa Phú
  • Thư Ký: Ông Giuse Lê Hữu Hòa
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 18 tháng 9 năm 1976, Đức Tổng Giám Mục Atlanta, Thomas A. Donnellan đã chính thức viếng thăm mục vụ và tuyên bố việc thành lập Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Atlanta. Ngài còn khuyến khích người Việt Nam cố gắng thích ứng với cuộc sống mới và giữ gìn những di sản cao quý trong văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam. Kể từ đó, hầu như thành tiền lệ mỗi năm, ĐTGM Atlanta, Thomas A. Donnellan và các vị kế nhiệm đều tìm cơ hội viếng thăm Cộng Đồng Việt Nam vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán…

Đây là giai đoạn thành hình đầu tiên của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Atlanta. Trong thời gian đầu này, cha Quản Nhiệm (Vietnamese Apostolic Administrator) Francis Phạm Văn Phương còn viếng thăm mục vụ và dâng thánh lễ cho người Việt tại các nơi ở phía Bắc Atlanta như Rome, Cedartown, Gainsville, Toccoa, hoặc ở phía Nam như Quitman, Columbus, v.v…, đồng thời khuyến khích những gia đình ở các thành phố nhỏ và xa xôi dọn về các thành phố lớn như Atlanta, nơi có đông người Việt định cư hơn, để cùng nhau nâng đỡ trong những bước đầu định cư. Sự sinh hoạt chính thức trong những năm kế tiếp được quy tụ tại nhà thờ St. John, Hapeville gồm khoảng 40 gia đình Công Giáo Việt Nam đầu tiên sống quanh khu vực và các gia đình từ các thành phố lân cận như Marietta, Smyrna, Decatur, Tucker, Jonesboro, East Point và thủ phủ Atlanta.

Các sinh hoạt phụng vụ cuối tuần đã trở thành những buổi hội ngộ gia đình, trong đó mọi người đều quen biết nhau và sau mỗi buổi thờ phượng, các gia đình lại họp với nhau mỗi nhóm một ít gia đình để cùng vui chơi, giải trí, ăn uống, kể chuyện cho nhau nghe nhằm vơi đi những nhọc nhằn và những nhớ thương, ray rứt về quê hương phía nửa bên kia trái đất. Một “câu lạc bộ” hay cafeteria dã chiến làm nơi tụ họp cuối tuần cũng được gầy dựng. Đó là một căn hộ trong khu chung cư nhà đôi (duplex) làm thành quán ăn, được mệnh danh là “Quán Các Bà” với món chính trong thực đơn là chả giò!

Các sinh hoạt văn hóa như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu đều do Cộng Đoàn Công Giáo tổ chức cho tất cả mọi người Việt tại Atlanta không phân biệt tôn giáo. Ngay cả Đại Lễ Giáng Sinh cũng quy tụ nhiều người từ xa xuyên khắp tiểu bang, vì những dịp này chính là cơ hội cho mọi người hy vọng tìm gặp những người thân quen, hoặc biết thêm tin tức từ xứ sở làng mạc của mình do thông tin từ những người mới đến định cư. Với số lượng đông người tụ về vào các dịp đại lễ như thế, nên Cộng Đồng Công Giáo phải thuê mượn những địa điểm lớn như hội trường Trường Trung Học Hapeville, trường St. Pius X, hoặc ngay cả đại sảnh Civic Center tại downtown Atlanta. Những sinh hoạt này kéo dài nhiều năm mãi đến khi có Hội Tương Trợ Người Đông Dương được thành lập (1983) và tiếp theo là sự ra đời của các hội đoàn cũng như Cộng Đồng người Việt tại Atlanta sau này.

GIAI ĐOẠN HAI – SECOND WAVE:

Năm 1977 là thời điểm bắt đầu làn sóng thứ hai những người Việt bỏ Nước ra đi. Làn sóng này kéo dài mãi đến giữa thập niên 1980s. Suốt trong thời gian này, khoảng hai triệu người Việt vượt biên trên những con thuyền nhỏ, bấp bênh và quá tải, do đó những người này được mệnh danh là “thuyền nhân – boat people ” để nhằm diễn tả thảm trạng này. Nhiều người đã phải trải qua cảnh “thập tử nhất sinh” hoặc phải đối đầu với nạn hải tặc, cuồng phong bão tố bất ngờ, hoặc cạn kiệt nhiên liệu và lương thực trước khi may mắn được cứu vớt nhìn thấy bến bờ tự do. Mức độ may rủi và tử vong của các “thuyền nhân” này rất cao, hàng trăm ngàn người đã phải chôn vùi trong lòng biển cả. Hầu hết các “thuyền nhân” xin tị nạn chính trị tại các trại tạm cư ở Thái Lan, Mã Lai, Tân-Gia-Ba, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông và chờ đợi để được tiếp nhận đến một quốc gia khác.

Với làn sóng tăng dần của những người vượt biên, các trại tiếp cư dần dà bị ứ đọng; do đó, những người đến sau thường bị từ chối nhập cảnh. Họ được cung cấp thực phẩm, nước và nhiên liệu rồi sau đó lại bị kéo ra ngòai biển khơi và bỏ rơi. Trong cơn tuyệt vọng, có những thuyền nhân đã tự làm đắm thuyền với hy vọng tạo áp lực để chính quyền địa phương tiếp nhận họ. Có người lại phải lênh đênh nhiều tháng trời trên chiếc thuyền tị nạn trước khi được phép nhập trại. Đời sống trong các trại tị nạn còn là một nỗi nhọc nhằn và cuộc sống tại nhiều trại tị nạn được ghi nhận là không khá hơn các trại tù vĩ đại bao nhiêu. Các thuyền nhân đã phải xếp hàng để nhận thức ăn, nước uống hoặc các việc vệ sinh cá nhân. Cả gia đình thường sống chen chúc với nhau trong khoảng chu vi một vài mét vuông. Tuy nhiên, đời sống trong trại có thể khá hơn một chút nếu được sự coi sóc của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR – United Nations High Commissioner for Refugee). Các trại tị nạn điển hình gồm có Songkla ở Thái Lan, các hải đảo Pulau Bidong, Pulau Tengah và Trengganu ở Mã Lai, White Head ở Hồng Kông, Palawan bên Phi Luật Tân, hoặc Galang tại Indonesia.

Để trợ giúp những người Việt tị nạn, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Tị Nạn (Refugee Act 1980) nhằm giảm bớt những điều lệ nhập cư vào Hoa Kỳ. Đạo Luật Tị Nạn năm 1980 còn định nghĩa rõ về quy chế người tị nạn, tạo nên các Văn Phòng Định Cư (điển hình là Văn Phòng Định Cư của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, người Việt thường gọi tắt là Hội USCC – United States Catholic Conference), và định số thu nhận người tị nạn là 50,000 người mỗi năm, trừ những trường hợp khẩn cấp; đồng thời cho phép người tị nạn thay đổi tình trạng tị nạn sau một năm thành thường trú nhân (permanent resident) và sau bốn năm tiếp theo có thể trở thành công dân Hoa Kỳ. Thêm vào đó, luật này còn cho phép con cái của những người từng phục vụ cho chính phủ Hoa Kỳ và các cựu tù nhân chính trị được nhập cảnh.

Tổng cộng, Hoa Kỳ đã tiếp nhận 531,310 người di dân và tị nạn chính trị từ Việt Nam trong khỏang thời gian từ năm 1981 đến năm 2000. Đa số những người ra đi trong giai đọan hai này là những người sống tại vùng quê hoặc miền duyên hải. Tuy vậy, sự hội nhập vào đời sống mới tương đối dễ dàng hơn so với những người đi trước vì được sự hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước là thân nhân hay bạn bè.

Với số người Việt đến Hoa Kỳ ngày càng đông, nên vào thời điểm này các gia đình cùng nhau thờ phượng tại nhà thờ St. John, Hapeville đã lên đến khoảng 150 gia đình hoặc khoảng 700 người. Nhu cầu phải có nơi thờ phượng riêng đã đến lúc chín mùi và một cuộc thăm dò ý kiến được tổ chức vào ngày 30 tháng 3 năm 1986 với đa số đồng ý tích cực yểm trợ cho dự án thực hiện ngôi thánh đường cho người Việt tại Atlanta. Ủy Ban Thực Hiện Thánh Đường được thành lập như sau:

  • Trưởng Ban: Ông Giuse Huỳnh Hữu Cầu
  • Phó Ban: Ông Giuse Nguyễn Mãng
  • Ban Vận Động: Ông Phạm Huy Khôi, Ông Bà Trần Liệu, và Ông Nguyễn Ngọc Liễu.

Một trong những điều kiện để xin phép mua hoặc xây thánh đường là phải có ngân quỹ thực sự. Sau một thời gian dự liệu, tổ chức, vận động và ước tính ngôi thánh đường tương lai cần có trị giá khoảng $300,000 USD, chiến dịch quyên góp đã được phát động vào ngày 13 tháng 9 năm 1986:

Quyên Góp Đợt I: Mỗi đơn vị gia đình xin dâng hiến $1,000 và các đơn vị độc thân xin dâng hiến $500. Một điểm son thiết tưởng cũng cần nêu lên là hầu hết và hầu như toàn diện là mọi đơn vị gia đình hoặc đơn vị độc thân đều chung sức cho dự án này. Sau một năm hoạt động, kết quả thâu được $107,000 USD. Giáo xứ Saint John mà đại diện là cha sở Micheal Woods cảm kích vì sự hi sinh trong lúc hoàn cảnh khó khăn của người di cư Việt Nam đã tặng cho cộng đoàn $50,000 USD.

Đến đây, một vấn đề pháp lí xuất hiện là làm thế nào để Tổng Giáo Phận cho phép mua hoặc xây nhà thờ? Đây là điều rất tế nhị và khéo léo vì ĐTGM Atlanta, Đức Cha Thomas A. Donnellan mới qua đời ngày 15 tháng 10 năm 1987 và Đức Ông Nhiếp Chánh (Vicar General) McDonough đang giữ quyền Giám Quản Tông Tòa. Ngày 25 tháng 11 năm 1987, Hội Đồng Giám Sát Mục Vụ (Pastoral Review Board) của Tổng Giáo Phận đã gặp gỡ với đại diện Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam để cứu xét nhu cầu và việc cho phép có nhà thờ riêng. Sau hơn một giờ lắng nghe CĐCGVN gồm đại diện HĐMV, các Hội Đoàn và Ủy Ban Thực Hiện Thánh Đường, với những tâm tình và lời lẽ rất mực cảm động và hữu lí. Chỉ sau một tuần lễ Cha Chưởng Ấn (Chancellor) Peter Luden viết thư trả lời: Hội Đồng đã đề bạt thuận hảo và Đức Ông Giám Quản đã chấp thuận cho Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam được phép mua nhà thờ riêng. Kết quả này đã tạo nên niềm phấn khởi cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Atlanta để đi đến quyết định quyên góp đợt II.

Quyên Góp Đợt II:
Chiến dịch được khởi sự vào ngày 20 tháng 2 năm 1988 qua hình thức vé số gởi đến các gia đình trong cộng đoàn và khắp các giáo xứ và cộng đoàn khác tại Hoa Kỳ. Sau một năm hoạt động, quỹ thực hiện thánh đường tăng thêm $87,000 USD và nâng tổng số quỹ lên gần $250,000 USD. Sau một thời gian xem xét, Cộng Đoàn đã quyết định tạo mãi ngôi nhà thờ Tin Lành ở Forest Park và công việc trùng tu bắt đầu. Cơ sở này tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 6 mẫu tây với giá tạo mãi là $300,000 USD cộng với công trình chỉnh trang và sửa chữa gần $200,000 USD nữa. Như vậy, kinh phí toàn diện của ngôi thánh đường và cơ sở tại Forest Park lên tới gần $500,000 USD đã được trang trải hầu hết do lòng quảng đại và hi sinh của các con cái Chúa. (Số quỹ này tương đương 1 triệu Mỹ-kim so sánh theo thời giá năm 2008).
Ngày 3 tháng 9 năm 1989, Đức Tân Tổng Giám Mục Atlanta, Đức Cha Eugene A. Marino đã long trọng làm phép ngôi thánh đường nhỏ bé tại Forest Park. Đây là thời điểm vui mừng và lịch sử chấm dứt 13 năm (1976-1989) Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam để bước qua một trang sử mới thành hình Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam trực thuộc Giáo Xứ Saint John ở Hapeville. Xin chân thành ghi ơn Giáo Xứ St. John đã cưu mang đoàn người Việt lưu vong suốt hơn một thập niên.

Ghi nhận những nỗ lực xây dựng và việc thành lập Cộng Đòan Công Giáo Việt Nam tại Atlanta, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua sự thỉnh cầu của Đức Tổng Giám Mục Atlanta, Đức Cha Eugene A. Marino, đã ban tặng tước hiệu Đức Ông cho Cha Quản Nhiệm Phanxicô Phạm Văn Phương và như một sự quan phòng nhiệm mầu, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Atlanta vui mừng có được tân chức linh mục Việt Nam đầu tiên xuất thân ngay trong cộng đồng. Đó là cha Phêrô Vũ Ngọc Đức được tiến chức linh mục vào tháng 6 năm 1996 và được Tòa Tổng Giám Mục chỉ định trông coi mục vụ cho người Việt cư ngụ phía Bắc thành phố Atlanta là Cộng Đoàn các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại giáo xứ Holy Cross (Cộng Đoàn đã trở thành Họ Đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 24 tháng 11 năm 2003).

Vào tháng 6 năm 1998, thêm một người con trong Cộng Đồng được tiến chức linh mục là cha Phanxicô Trần Quốc Tuấn, hiện là Quản Nhiệm Họ Đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (2008). Đến tháng 6 năm 2002, cha Giuse Hà Minh Hiếu còn được ĐTGM John F. Donoghue truyền chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Atlanta. Thật là “Niềm vui góp lại, niềm vui lớn – Nỗi lo chia sẻ, nỗi lo vơi!”

GIAI ĐỌAN BA – THIRD WAVE:

Giai đọan định cư thứ Ba mở màn vào khỏang đầu thập niên 1990s. Chính phủ Hoa Kỳ, hay đúng hơn là Cơ Quan Di Trú và Nhập Cảnh Hoa Kỳ (Immigration and Naturalization Services - INS) có hai chương trình tiếp nhận người tị nạn:

• Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (the Orderly Departure Program – ODP, Thành lập vào tháng Giêng năm 1980 và chấm dứt vào ngày 30 tháng 9 năm 1999) giúp đòan tụ nhiều gia đình đã định cư tại Hoa Kỳ.
• Chương Trình Nhân Đạo (Humanitarian Operation – HO, tiếp theo chương trình ODP). Đặc biệt Chương Trình Nhân Đạo đã tạo điều kiện cho số lớn các gia đình Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ cùng với con cái dưới 21 tuổi. Những người định cư qua Chương Trình Nhân Đạo này đa số liên hệ đến chính phủ Miền Nam Việt Nam hoặc đã bị ở tù ít nhất là ba năm trong các trại “cải tạo”, hoặc diện con cái có một bên cha hoặc mẹ là người Hoa Kỳ (half-American children).

Sự hội nhập vào xã hội tương đối khó khăn đối với những người ra đi vào giai đọan này, đặc biệt là những người từng nắm các chức vụ trong quân đội. Những người này sau nhiều năm miệt mài trên chiến trường thường quen với thép súng và lạ lẫm với những khả năng chuyên môn. Họ thường bị trở ngại về ngôn ngữ, vấn đề tuổi tác, tình trạng sức khỏe và khác biệt văn hóa đã tạo nên những mâu thuẫn và khủng hỏang trong cuộc sống tị nạn. Ảnh hưởng tâm lý và tinh thần được ghi nhận ở mức độ cao trong những người định cư thuộc giai đoạn này.

Để thích ứng vào nền kinh tế Hoa Kỳ càng nhanh nếu có thể, nhiều người Việt đã phải làm những công việc có lương bổng thấp. Ngay cả những người đã có bằng cấp tại quê nhà, các chứng chỉ ấy thường không được công nhận hoặc các quân nhân có năng khiếu nhưng không còn thích hợp với môi trường kinh tế tại Hoa Kỳ nữa, và vì nhiều người không có khả năng thích hợp, do đó cả nam giới và nữ giới phải tìm việc làm.

Có thể nói rằng nữ giới dễ tìm công việc hơn, đặc biệt trong cách ngành phục vụ (service) và những khâu đòi hỏi năng khiếu thấp (low-skill sectors), và từ đó phụ nữ còn nắm giữ những công việc thường dành cho phái nam. Điều này có nghĩa là phụ nữ đã ra ngòai phạm vi gia đình và thành công trong việc thâu đạt những bằng cấp hầu tạo được kinh tế độc lập cho gia đình qua môi trường công sở. Một số trường hợp thì phụ nữ còn là nguồn kinh tế chính của gia đình trong khi người chồng chỉ là những nhân viên hoặc kĩ thuật viên.

Tuy đã được thờ phượng ở nhà thờ riêng tại Forest Park, nhưng số người Việt Nam Công Giáo đã gia tăng rất nhanh, nhất là vào những năm đầu của thập niên 90. Lễ Giáng Sinh năm 1991, Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam vui mừng tiếp đón lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ĐTGM James P. Lyke vừa tiếp nhận Giáo Phận ngày 24 tháng 6 năm 1991 thay thế ĐTGM Eugene A. Marino, vì đúng một năm sau cũng trong tuần lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, ĐTGM James P. Lyke qua đời ngày 27 tháng 12 năm 1992 . Đức tân TGM đã chứng kiến sự tăng triển của giáo dân Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam: các thánh lễ và các sinh hoạt tôn giáo tại Họ Ðạo ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều người đã phải tham dự thánh lễ trong hội quán qua màn ảnh truyền hình lớn hoặc đứng ngoài trời bất kể thời tiết mùa Hè nóng bức hay mùa Đông giá lạnh! Các em học sinh phải học Giáo lý và Việt ngữ trong các phòng tiền chế (trailers) hay dưới bóng mát các tàng cây… cho nên ý chí của các con cái Chúa một lần nữa lại muốn vươn lên qua việc quyết tâm tạo mãi cơ sở mới tại Riverdale.

Ngày 29 tháng 11 năm 1997 đánh dấu thêm một giai đoạn lịch sử: Ðức Tổng Giám Mục John Francis Donoghue đã long trọng làm phép khánh thành ngôi nhà thờ “mới”, được sang nhượng từ một Hội Thánh Tin Lành Baptist và rồi vào ngày 24 tháng 10 năm 1998, Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam còn được nâng lên thành Giáo Xứ Ðức Mẹ Việt Nam và đặt Đức Ông Francis Phạm Văn Phương làm Chánh Xứ tiên khởi. Đây là ngày hội lớn bắt đầu cho truyền thống Đại Hội Đức Mẹ La Vang hàng năm. Có rất đông các linh mục, tu sĩ và giáo dân từ các tiểu bang lân cận như Tennessee, Florida, North và South Carolina, Alabama, Missisippi, Lousiana về tham dự từ ngày 23 đến 25 tháng 10 năm 1998. Đại Hội được sự hướng dẫn đặc biệt của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, nguyên là thư ký riêng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến từ Rôma và Cha Phaolô Văn Chi đến từ Úc Châu.

Cộng Đoàn lại quy tụ về địa điểm mới với ngôi thánh đường vừa được tân trang tại thành phố Riverdale, chấm dứt 9 năm sinh hoạt tại Forest Park và đánh dấu sự trưởng thành của người Việt tị nạn bình đẳng với các giáo xứ khác của người Hoa Kỳ. Thêm vào đó, ngày 25 tháng 6 năm 1998, ĐTGM còn có bài sai mới cho cha Francis Trần Quốc Tuấn về làm cha phó đầu tiên tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam.

Toàn thể cơ sở tại Riverdale tọa lạc trên thửa đất 17 mẫu tây bao gồm nhà xứ với diện tích khoảng 2 mẫu tây nữa. Tổng cộng giá tạo mãi và sửa chữa khoảng 1 triệu Mỹ Kim được trang trải do hai đợt dâng hiến vào năm 1995 và 1996 cộng với trị giá ngôi thánh đường cũ ở Forest Park mà chỉ còn nợ một phần nhỏ.

Đúng như sự nhận xét của ĐTGM James P. Lyke về sự tăng triển nhân số từ Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam, điều này cũng đòi hỏi thêm sự gia tăng mục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng mà công sức của một linh mục trong việc mục vụ và xã hội có giới hạn, thế nên nhiệm vụ tông đồ giáo dân rất được khuyến khích. Sau thời gian bốn năm học tập kể từ đầu năm 1996 đến đầu năm 2000, Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam vui mừng có thầy Phêrô Huỳnh Việt Hùng được tiến chức Phó Tế Vĩnh Viễn ngày 26 tháng 2 năm 2000 do ĐTGM John Francis Donoghue chủ phong tại nhà thờ Chính Tòa. Trong nỗ lực xây dựng nhân sự trong hàng giáo sĩ cho tương lai của cộng đồng, sáu năm sau vào ngày 4 tháng 2 năm 2006, ĐTGM Atlanta, Wilton Gregory đã truyền chức Phó Tế Vĩnh Viễn cho thầy Giuse Nguyễn Hòa Phú tại nhà thờ Chính Tòa Atlanta sau 5 năm thụ huấn kể từ ngày 27 tháng 1 năm 2001 đến ngày 12 tháng 1 năm 2006.

Vào Mùa Chay năm 1999 trong tuần Lễ Lá, Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam vinh dự được đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (trước khi được thăng tước Hồng Y), Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hòang Công Lý và Hòa Bình ghé thăm và giảng tĩnh tâm cho giáo xứ, đặc biệt cho giới trẻ. Khi được biết giáo xứ dự định thực hiện công trường Đức Mẹ Việt Nam, ĐTGM Chủ Tịch đã hứa sẽ trở lại vào dịp khánh thành tượng đài, thế nhưng ngài đã ra đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Roma trước khi công trường Đức Mẹ hòan tất vào dịp lễ Phục Sinh năm 2004.

Rất nhiều linh mục, tu sĩ đã dừng chân tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, đặc biệt Giáo Xứ hân hạnh được tiếp đón các vị mục tử Việt Nam trong hàng giáo phẩm:

  • Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tuần Lễ Lá năm 1999.
  • Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Mục Địa Phận Bà-Rịa, tháng 10 năm 2000.
  • Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám Mục Địa Phận Phát Diệm, tháng 5 năm 2003.
  • Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Địa Phậm Mỹ Tho, tháng 6 năm 2004.
  • Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Địa Phận Kontum, 25-28/7/2005.
  • Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Địa Phận Thái Bình, ngày 8/8/2005.
  • Đức Cha Têphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục Phó Địa Phận Cần Thơ. 2005, 2008
  • Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Địa Phận Orange, California, 2006
  • Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Địa Phận Phan Thiết. năm 2007
  • Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Đà Nẵng, tháng 8 năm 2007.

Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam còn là một trong 17 nhà thờ được chỉ định cho toàn thể giáo phận kính viếng lãnh nhận ơn Toàn Xá. Tại ngôi thánh đường này, ĐTGM Atlanta, Wilton Gregrory đã truyền chức linh mục cho Cha Gioan B. Phạm Nguyễn Tuấn Anh vào tháng 6 năm 2006.

CÁC SINH HỌAT TÔN GIÁO VÀ VĂN HÓA:
Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam tại Atlanta được coi là một giáo xứ trẻ trung, không vì thời điểm khai sinh của giáo xứ nhưng với một lực lượng giới trẻ đông đảo, đồng thời đây cũng là một giáo xứ có rất nhiều hội đoàn và sinh hoạt đạo đức ở một mức độ rất cao. Công việc hướng dẫn và giáo dục giới trẻ là một ưu tiên hàng đầu của giáo xứ nhằm chuẩn bị về đức tin và văn hóa làm hành trang vào đời. Song hành với việc hướng dẫn giới trẻ, Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam luôn lưu tâm đến mọi tầng lớp và mọi thành phần trong Giáo Xứ nhằm hỗ trợ các nhu cầu về tâm linh và xã hội. Do đó tuần tự với thời gian và với đà tiến triển của giáo xứ, các hội đòan, chương trình, phong trào đã lần lượt khai sinh:

Trường Giáo Lý và Việt Ngữ:
Từ năm 1987, chương trình hướng dẫn và giáo dục cho lớp trẻ được hệ thống hóa với một đội ngũ hùng hậu trên 50 các thầy, cô tình nguyện cộng tác cho trường Giáo Lý và Việt ngữ. Hiện nay, có khỏang hơn 200 em trong các lớp Việt ngữ từ lớp vỡ lòng đến lớp 8 và khỏang 350 em trong các lớp giáo lý từ lớp Khai Tâm đến lớp Vào Đời. Sinh họat thường lệ của trường Việt ngữ vào mỗi sáng thứ Bảy và chương trình Giáo lý vào mỗi sáng Chúa nhật hàng tuần.

Sinh Hoạt Hội Đoàn:
Cộng đòan dân Chúa gồm các thành phần khác nhau, do đó các hội đòan được thành lập nhằm quy tụ các thành phần có cùng một khuynh hướng. Đòan Liên Minh Thánh Tâm dành cho các gia trưởng, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo dành cho các nội tướng của các gia đình, và giới trẻ nổi bật trong các sinh họat của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể hoặc các thanh niên nam nữ trong sinh hoạt Ca Đoàn. Chủ đích của các đòan thể Công Giáo Tiến Hành là gây dựng đức tin và mối tương quan vào trong đời sống gia đình.

Sinh Hoạt Giáo Họ:
Mối tương quan giữa các phần tử và các gia đình còn được tổ chức theo mô hình làng xã theo truyền thống dân tộc. Các giáo họ thể hiện được tình liên đới giữa các gia đình qua các buổi cầu nguyện, thăm viếng tại tư gia vào mỗi cuối tuần; nhờ đó lòng khắng khít, mối cảm thông và tinh thần nâng đỡ như “tình hàng xóm” được triển nở đặc biệt trong những dịp hiếu, hỉ.

Sinh Hoạt Phong Trào:
Sức sống tâm linh còn được hun đúc qua các sinh họat đặc thù như Linh Thao, Giới Trẻ Công Giáo, hội Đền Tạ, hội Cao Niên, Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình và Phong trào Hội Học Kitô Giáo (Cursillo). Nét hay và vẻ đẹp từ những sinh họat của các phong trào này chính là sắp sẵn một môi trường để mỗi một thành phần dân Chúa có thể tìm cho mình một chỗ đứng tương xứng và khám phá giá trị người tín hữu của mình, cho dù có sự khác biệt về trình độ kiến thức, tuổi tác hay khuynh hướng.

Các Chương Trình Huấn Luyện:
Kiến thức và kinh nghiệm là đường tiến của nền văn minh nhân lọai. Các lớp học hỏi về Kinh Thánh hoặc Thần Học Giáo Dân trong các tháng Hè nhằm đào sâu về tín lí, đồng hành với giáo hội và nhất là tạo cho đời sống đạo của người Kitô hữu thêm trưởng thành. Ngòai ra, để đáp ứng nhu cầu về xã hội, các lớp Luyện thi quốc tịch, lớp Anh ngữ, thủ công, hướng dẫn âm nhạc, nghệ thuật, kĩ thuật… cũng còn được tổ chức theo nhu cầu.

Các Công Tác Xã Hội:
Mọi thành phần dân Chúa thuộc giáo xứ Đức Mẹ Việt nam còn dấn thân vào các công tác xã hội như là việc thực hành của đức tin. Hàng năm có các cuộc lạc quyên giúp các giáo xứ có nhu cầu ở Việt Nam hay các trẻ em nghèo, có các buổi thăm viếng những người già tại các viện dưỡng lão, tiếp ứng và ủy lạo những nạn nhân thiên tai mà công cuộc cứu trợ “Katrina” và “Bão Lụt” ở Việt Nam là những công tác điển hình. Hơn nữa ý thức việc “Cho đi hơn là nhận lại” còn nuôi dưỡng thêm lòng quảng đại và bác ái của người Kitô hữu.

Hiện nay, Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam có khoảng trên 700 gia đình với trên 3,500 người đã ghi danh gia nhập và yểm trợ tinh thần và vật chất để xây dựng giáo xứ. Dựa vào danh sách và hồ sơ điện toán (thống kê tháng 5 năm 2008), Giáo Xứ gồm có trên 250 vị cao niên từ 65 tuổi trở lên, khoảng 600 trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, còn lại trên 2,000 người trong lứa tuổi lao động. Thực tế, những con số trên đây còn cao hơn vì không có đủ dữ kiện của tất cả các thành viên trong hồ sơ điện toán của Giáo Xứ.

CÁC LINH MỤC PHÓ XỨ, GIÚP XỨ:

  • Cha Phêrô Phạm Ngọc Phi (GP Nha Trang) Mùa Hè năm 1997
  • Cha Phanxicô Trần Quốc Tuấn (Atlanta), 5/6/1998 – 2003
  • Cha Giuse Hà Minh Hiếu (Atlanta)2003 – 2005
  • Cha Phạm Ngọc Khuê (Phát Diệm)Mùa Hè các năm: 2003, 2004
  • Cha Phaolô Nguyễn Văn Đông (Xuân Lộc): Mùa Hè các năm 2004 & 2005
  • Cha Phêrô Nguyễn Năng (Xuân Lộc)Mùa Hè năm 2004
  • Cha Phêrô Mai Vinh Sơn (Đà Lạt) Mùa Hè các năm: 2006, 2007 & 2008
  • Cha Gioan Baotixita Đỗ Văn Đoan (Phát Diệm): 2007 – 2009

CÁC BAN ĐẠI DIỆN – BAN THƯỜNG VỤ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ:

Ngày 11 tháng 8 năm 1976 (Ban Đại Diện Đầu Tiên – Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Văn Bạt
  • Phó Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Hòa Phú
  • Thư Kí: Ông Giuse Lê Hữu Hòa
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 10 tháng 5 năm 1977:

  • Chủ Tịch: Cụ Giuse Lê Hữu Cổ (RIP)
  • Phó Nội Vụ: Ông Gioan Lê Hữu Hà
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Hòa Phú
  • Thư Kí: Ông Phêrô Vũ Anh Tú
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber và Bà Mai Brown

Ngày 31 tháng 4 năm 1981 (Bắt đầu nhiệm khóa 2 năm)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Vũ Văn Tĩnh (RIP)
  • Phó Nội Vụ: Ông Đôminicô Trần Văn Hùng
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Thư Kí: Ông Luca Phạm Văn Kiên
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber và Bà Hoàng Lệ Nhan

Ngày 3 tháng 4 năm 1983 (Lễ Phục Sinh)

  • Chủ Tịch: Ông Luca Phạm Văn Kiên
  • Phó Nội Vụ: Ông Phaolô Nguyễn Văn Huệ
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Hòa Phú
  • Thư Kí: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber và Bà Hoàng Lệ Nhan

Ngày 23 tháng 3 năm 1985

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Vũ Văn Tĩnh (RIP)
  • Phó Nội Vụ: Ông Antôn Vũ Văn Phàn
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Hòa Phú
  • Thư Kí: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 11 tháng 4 năm 1987 (Họ Đạo Dức Mẹ Việt Nam)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Phaolô Nguyễn Văn Huệ
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Antôn Nguyễn Thái Hưng
  • Phó ĐTTĐ: Ông Giuse Nguyễn Mãng (Đặc Trách Thánh Đường)
  • Tổng Thư Kí: Cô Têrêsa Đào Kim Thu (RIP)
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 25 tháng 7 năm 1988 (Thay đổi nhân sự)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Phaolô Nguyễn Văn Huệ
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Tarcisciô Đặng Vũ Trấn
  • Phó ĐTTĐ: Ông Giuse Nguyễn Mãng (Đặc Trách Thánh Đường)
  • Tổng Thư Kí: Ông Giuse Hoàng Dũng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 30 tháng 10 năm 1988 (Bầu lại sau 3 tháng)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Nguyễn Tân Xuân
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Tarcisciô Đặng Vũ Trấn
  • Phó ĐTTĐ: Ông Giuse Vũ Văn Đán (Đặc Trách Thánh Đường)
  • Tổng Thư Kí: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 31 tháng 3 năm 1991 (Lễ Phục Sinh)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Nguyễn Tân Xuân
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Văn Kiên
  • Phó ĐTTĐ: Ông Anrê Lê Văn Thảo (Đặc Trách Thánh Đường)
  • Tổng Thư Kí: Ông Phêrô Huỳnh Việt Hùng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 11 tháng 4 năm 1993 (Lễ Phục Sinh – Bắt đầu nhiệm khóa 3 năm)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Nguyễn Tân Xuân
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Văn Kiên
  • Phó ĐTTĐ: Ông Anrê Lê Văn Thảo (Đặc Trách Thánh Đường)
  • Tổng Thư Kí: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 7 tháng 4 năm 1996 (Lễ Phục Sinh)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ:
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Tổng Thư Kí: Ông Vincentê Trần Hữu Quảng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 4 tháng 4 năm 1999 (Lễ Phục Sinh – Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Bùi Văn Tâm
  • Phó Nội Vụ: Ông Gioan Trần Đình Ngự
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Phó Tài Chánh: Ông Phêrô Trương Văn Trí
  • Tổng Thư Kí: Ông Vincentê Trần Hữu Quảng
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Maria Thái Leber

Ngày 31 tháng 3 năm 2002 (Lễ Phục Sinh. Phong nhậm 14/7/2002 – Bắt đầu nhiệm khóa 4 năm)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Phó Nội Vụ: Ông Gioan Ngô Bá Thừa
  • Phó Ngoại Vụ: Ông Vincentê Trần Hữu Quảng
  • Phó Kiến Thiết: Ông Giuse Hà Minh Hải
  • Phó Tài Chánh: Ông Phêrô Trương Văn Trí (đến tháng 11/2002)
  • Tổng Thư Kí: Anh Phaolô Trần Phúc Hậu
  • Tổng Thủ Quỹ: Bà Matta Phạm Thị Nguyện (đến tháng 10/2002)

Ngày 16 tháng 4 năm 2006 (Lễ Phục Sinh: bầu cử. Phong nhậm 16/7/2006)

  • Chủ Tịch: Ông Giuse Nguyễn Tiến Hùng
  • Khối Sinh Hoạt Công Đồng: Ông Gioan Ngô Bá Thừa, Phó Chủ Tịch (PCT)
  • Khối Truyền Giáo: Ông Vincennte Đặng Xuân Vũ, PCT
  • Khối Phụng Tự: Ông Giuse Nguyễn Đình Đông, PCT
  • Khối Hành Chánh: Ông Giuse Võ Hoàng Dũng, PCT
  • Khối Giáo Dục: PT Phêrô Huỳnh Việt Hùng
  • Khối Tài Chánh: PT Giuse Nguyễn Hòa Phú.
  • Tổng Thư Kí: Ông Phêrô Cao Thế Hùng.

Trên đây chỉ là một ít khía cạnh trong những yếu tố tạo nên lịch sử của Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, trải dài trên 30 năm kể từ lúc phôi thai của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam từ năm 1976 cho đến ngày nay. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, việc quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa với muôn hồng ân dành cho tất cả con cái Người trong Đại Gia Đình Giáo Xứ là điều có thể cảm nghiệm được. Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam tại Atlanta còn muốn vươn lên trong việc xây dựng một cộng đồng Đức Tin dựa trên căn bản của nền văn minh tình thương và sự sống, đồng thời thắp sáng những tinh hoa và bảo tồn truyền thống dân tộc trong căn tính của người Việt Nam. Đó chính là gia sản để lại cho các thế hệ mai sau.

 

Giuse Nguyễn Tiến Hùng

 


Ghi Chú — References:
Tài liệu này dựa trên các tài liệu, dữ kiện được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau qua báo chí, tài liệu của Giáo Xứ và thông tin trên mạng lưới toàn cầu (internet).

  • Diễn giải về 3 đợt di cư - xem Scott C.S. Stone and John E. McGowan, Wrapped in the Wind's Shawl: Refugees in Southeast Asia and the Western World (San Rafael, CA: Presidio Press, 1980)
  • CATCHING TWO FISH WITH TWO HANDS: Preserving Vietnamese Heritage in Virginia’s Little Saigon, Kim A. O’Connell; December 12, 2003.
  • Di Tản Và Vượt Biên, Bùi Trọng Cường & Nguyễn Phục Hưng, http://nguoiviethaingoai.org/ditan.html
  • The Formation of a New Refugee Community: The Vietnamese Community in Orange County, California, Hien Duc Do, 1991, pp26.
  • Kỷ Yếu Mừng Đệ Nhất Chu Niên Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, 1999.
  • Danh sách các Ban Đại Diện và Ban Thường Vụ được tổng kết thành một phần riêng ở cuối bài này.
  • Xem định nghĩa về “boat people” tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Boat_people.
  • Đa số các tài liệu nói về các trại tị nạn có tính cách chủ quan, và tiêu cực, ít có thiện cảm với người tị nạn.
  • Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: United States Conference of Catholic Bishops (USCCB)
  • Thời giá $1 năm 1988 bằng $2 năm 2008, www.factmonster.com
  • Building Community from "Scratch": Forces at Work among Urban Vietnamese Refugees in Milwaukee, N. Mark Shelley, Sociological Inquiry, Vol. 71 Issue 4 Page 473 October 2001.
  • Văn thư của Tòa Giám Mục Atlanta, do Đức Ông Peter A. Dora công bố ngày 24 tháng 10 năm 1998, Chúa Nhật kết thúc Đại Hội Đức Mẹ Lavang Miền Đông Nam Hoa Kỳ lần thứ I, tổ chức tại Giáo Xứ Đức Mẹ Viêt Nam.

Như vậy, cơ sở có được như ngày nay là đã trải qua 5 lần quyên góp kể từ thuở ban đầu.

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. Cookie policy. I accept cookies from this site. Agree